http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/science-resp-u-shaped-map-qc-10032011115320.html
Phản hồi của tạp chí Science
Quỳnh Chi, phóng viên RFA
2011-10-03
Cuối tháng 7, Tạp chí Science, tạp chí khoa học hàng đầu thế giới cho đăng tải một bài viết của giáo sư Xizhe Peng, là hiệu trưởng trường Đại học Fudan tại Thượng Hải.
Bài Viết có tên tiếng Việt là “Lịch sử nhân khẩu học Trung Quốc và những thách thức tương lai”, trong đó đăng kèm bản đồ hình lưỡi bò, như một cách mặc nhiên công nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa. Vào tháng 8, nhiều học giả Việt Nam đã viết thư khiếu nại đến tạp chí này và sau hơn 1 tháng, họ vừa nhận được phản hồi từ tạp chí này.
"Lệnh ngầm" của chính phủ TQ
Quỳnh Chi hỏi chuyện ông Nguyễn Hùng, người phụ trách khâu liên lạc của nhóm học giả, và được ông cho biết:
Tạp chí Science vừa báo cho chúng tôi biết là tập san của họ vừa đăng một đoạn ghi chú. Đại ý, đoạn ghi chú này nói rằng: “Trong bài Lịch sử nhân khẩu học của Trung Quốc và thách thức trong tương lai (China’s demographic history and future challenges) đăng trong mục đặc biệt về Dân số ngày 29 tháng 7, có kèm theo hình 1 với bản đồ Biển Nam Trung Hoa. Chúng tôi ý thức rằng một số độc giả đã diễn giải việc đăng xuất bản đồ này như một thông báo quan điểm của Science về biên giới biển đảo được ghi nhận trong hình ảnh trên. Trường hợp này không phải như vậy.
Chính sách của Science, được tìm thấy trên các trang đầu của mỗi số, đã nói rõ rằng "tất cả các bài được đăng trên Science –bao gồm các bài tin tức, xã luận và bình luận, và bình phẩm sách – được ký kết và phản ánh quan điểm cá nhân của các tác giả và không chính thức phản ánh quan điểm của AAAS hoặc các tổ chức khác mà tác giả là hội viên (hay liên kết).”
Science không đứng về phía nào đối với các khiếu nại liên quan đến thẩm quyền tài phán trong lĩnh vực lãnh hải đã bao gồm trong bản đồ trên. Chúng tôi đang xem xét lại các thủ tục chấp nhận bản đồ để đảm bảo rằng trong tương lai Science không tỏ ra thiên vị hoặc đứng về một bên nào trong các vấn đề tranh chấp lãnh hải hay thẩm quyền tài phán”.
Quỳnh Chi: Vậy có cơ hội tạp chí Science sẽ quay lại xét duyệt bản đồ lưỡi bò trên bài viết trên?
Ông Nguyễn Hùng: Theo tôi, việc này chắc là không xảy ra vì bài báo của giáo sư Xizhe Peng được đăng rồi. Tuy nhiên, qua sự việc này, họ sẽ quan tâm đến vấn đề và trong tương lai, khi nhìn thấy những bản đồ như thế, họ sẽ cẩn thận hơn. Đó là việc mà chúng ta làm cho tương lai.
Một vị giáo sư Trung Quốc đã nói rằng đây là chính sách của chính phủ và yêu cầu khiếu nại đến chính phủ Trung Quốc.
Ông Nguyễn Hùng
Quỳnh Chi: Ông nhận xét về ý nghĩa của việc phản hồi này như thế nào?
Ông Nguyễn Hùng: Chúng tôi cho rằng đây là một tín hiệu đáng mừng vì tiếng nói của mình đến được với ban biên tập cao cấp của Science. Nó còn tránh được tình trạng mà các học giả Trung Quốc mang bản đồ hình lưỡi bò vào các nghiên cứu của mình. Mà theo chúng tôi được biết, đây chính là “lệnh ngầm” của chính phủ Trung Quốc.
Quỳnh Chi: Thưa, ông nói đây là “lệnh ngầm”, ông dựa vào cơ sở nào?
Ông Nguyễn Hùng: Khi nhận được một email khiếu nại của một học giả Việt Nam về bản đồ đường lưỡi bò trên bài báo, một vị giáo sư Trung Quốc đã nói rằng đây là chính sách của chính phủ và yêu cầu khiếu nại đến chính phủ Trung Quốc.
Đó là một vị giáo sư Trung Quốc, là tác giả của bài báo. Tên của ông ta là Xuemei Shao, công tác tại Viện khoa học địa lý và tài nguyên thiên nhiên, Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc (Institute of Geographic Sciences and Natural Resources research, Chinese Academy of Sciences).
Chính phủ VN vẫn im lặng
Quỳnh Chi: Chúng tôi cũng được biết là ngoài gởi thư phản ánh bản đồ hình lưỡi bò trên bản đồ Science, các vị cũng từng có những phản ánh đến các cơ quan như Google map và các tổ chức khác về việc nhầm lẫn trong bản đồ liên quan đến Việt Nam?
Ông Nguyễn Hùng: Cách đây hơn 1 năm, chúng tôi cũng đã đấu tranh với National Geographic Society (NGS) khi họ in bản đồ quần đảo Hoàng Sa mà lại dùng tên tiếng Hoa. Sau đó, chúng tôi cũng trực tiếp liên lạc với Google khi trang Google map của họ vẽ đường biên giới Trung Quốc lấn qua thành phố Lào Cai. Việc này làm trên bản đồ các trường học Việt Nam lại nằm phía bên kia biên giới Trung Quốc. Sau một thời gian liên lạc và tranh đấu, NGS đã thay đổi và dùng từ Hoàng Sa tại quần đảo Hoàng Sa. Còn Google map cũng sửa lại đường biên giới Lào Cai.
Quỳnh Chi: Ngoài lá thư khiếu nại gởi đến Sciene, các vị cũng viết một lá thư dưới dạng cảnh báo, với nhiều chữ ký và gởi đến các cơ quan trên thế giới. Xin ông cho biết cập nhật tin tức về việc này.
Ông Nguyễn Hùng: Chúng tôi nhận thấy rằng nếu chờ đến khi bản đồ lưỡi bò được đăng lên một tạp chí nào đó thì mới khiếu lại là thụ động. Cho nên chúng tôi đã viết một lá thư cảnh báo về việc đường lưỡi bò xuất hiện trên các nghiên cứu khoa học của học giả Trung Quốc. Lá thư này được gởi đến nhiều nơi, nhiều cơ quan truyền thông và tạp chí khoa học để cảnh báo. Hôm 5 tháng 9, chúng tôi bắt đầu gởi thư đi. Hiện nay, có 81 học giả, trí thức Việt Nam tham gia ký tên và gởi được cho 100 cơ quan.
Quỳnh Chi: Vậy các vị có nhận được phản hồi nào không?
Ông Nguyễn Hùng: Tờ Wall Street Journal cho biết họ ghi nhận việc chúng tôi cảnh báo. Ngoài ra, còn có National Geographic Society (NGS), European Science Society cũng trả lời chúng tôi. Cách đây mấy hôm, tạp chí Nature cũng hỏi chúng tôi về vấn đề này và yêu cầu chúng tôi cung cấp thêm thông tin về bản đồ lưỡi bò cũng như hoạt động của chúng tôi.
Quỳnh Chi: Hiện nay, ngày càng xuất hiện nhiều bản đồ lưỡi bò trên các tạp chí khoa học. Nếu đây là một xu hướng hay là chính sách như các ông nói thì ông nghĩ người Việt Nam nên làm gì?
Ông Nguyễn Hùng: Theo chúng tôi, những việc làm của các trí thức chỉ góp sức mà thôi, trách nhiệm chính vẫn là chính phủ. Chính phủ Việt Nam phải có chính sách và hành động. Chính phủ cũng có những cơ quan như Ủy ban Biên giới lo về vấn đề bản đồ. Tôi còn nhớ là trong lúc đấu tranh với NGS và Google map về vấn đề danh xưng Hoàng Sa và vấn đề biên giới Lào Cai, chúng tôi đã nhiều lần gởi thư cho chính phủ, quốc hội, bộ Ngoại giao Việt Nam yêu cầu họ cung cấp tài liệu để chúng tôi có cơ sở đấu tranh. Tuy nhiên, chúng tôi đã không nhận được bất cứ một hồi âm nào.
Những việc làm của các trí thức chỉ góp sức mà thôi, trách nhiệm chính vẫn là chính phủ. Chính phủ Việt Nam phải có chính sách và hành động.
Ông Nguyễn Hùng
Quỳnh Chi: Xin cám ơn ông Nguyễn Hùng đã giúp chúng tôi hoàn thành cuộc phỏng vấn này..
Xin được nhắc lại, Ngày 20 tháng 8, 57 vị trí thức, khoa học gia Việt Nam ký tên vào lá thư khiếu nại gởi đến tạp chí Science. Ngày 5 tháng 9, các vị học giả này tiếp tục đồng viết một lá thư cảnh báo, nêu vấn đề đường lưỡi bò xuất hiện ngày càng nhiều trong các nghiên cứu khoa học của các học giả Trung Quốc. Hiện tại, lá thư cảnh báo này đã được khoảng 80 vị trí thức, học giả Việt Nam ký tên và được gởi đến khoảng 100 cơ quan quốc tế. Hôm 30 tháng 9, ban biên tập tạp chí Science đã có ghi chú đính kèm với bài viết “Lịch sử nhân khẩu học Trung Quốc và những thách thức tương lai”. Đại ý, ghi chú này nói rằng bài viết của giáo sư Xizhe Peng không phản ánh quan điểm Science và họ sẽ xem xét lại quá trình đăng tải bản đồ để tránh những hiểu lầm về sau.
No comments:
Post a Comment